Kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 (ngày 3/10), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhất trí với đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc lùi một năm cho việc thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới. Ông đề nghị tăng cường truyền thông, mở rộng đối thoại, tạo đồng thuận xã hội về đổi mới giáo dục.
Trước đó, Tổng chủ biên Chương trình phổ thông Nguyễn Minh Thuyết cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã làm công văn báo cáo Chính phủ, đề xuất lùi thời gian triển khai chương trình, sách giáo khoa từ năm học 2018-2019 sang năm học 2019-2020 trên toàn quốc.
Lộ trình áp dụng chương trình mới cho các cấp học cũng được kiến nghị điều chỉnh. Thay vì triển khai cho cả ba cấp (lớp 1, 6, 10) ngay năm đầu tiên, năm học 2019-2020 chỉ học sinh lớp 1 học chương trình mới. Năm thứ hai sẽ thêm lớp 2 và lớp 6; năm thứ ba là lớp 3,7, 10; cuối cùng là ba lớp cuối cấp 5, 9, 12.
Lộ trình này, theo GS Thuyết sẽ hợp lý hơn, để các địa phương có thêm thời gian tập huấn giáo viên, chuẩn bị cơ sở vật chất bởi "điều kiện ở nước ta không thể cùng lúc cải thiện hết cơ sở vật chất được mà phải làm dần dần".
Tháng 7/2017, Ban Chỉ đạo đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông thông qua Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể làm căn cứ để xây dựng dự thảo chương trình môn học và hoạt động giáo dục. Bản thảo này có sự tiếp thu ý kiến của chuyên gia, giáo viên, dư luận.
Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới được chia thành hai giai đoạn là giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12), không còn lớp dự hướng nghề nghiệp. Hệ thống môn học cũng chỉ còn bắt buộc và tự chọn. Các môn học được kế thừa và thống nhất giữa các cấp giúp học sinh không bỡ ngỡ khi gặp một môn với tên lạ lẫm.
Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể quy định, thời gian thực học trong năm là 35 tuần, giảm 2 tuần so với bản dự thảo công bố ngày 12/4. Tổng số tiết học trong năm, số tiết trung bình trong tuần và thời lượng của một số môn học cũng được giảm đi so với trước.
|
Quỳnh Trang (vnexpress.net)