Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 56
  • Hôm nay: 1972
  • Trong tuần: 7613
  • Tất cả: 1906944
Bắt nạt trực tuyến - hệ lụy đáng quan tâm
Công nghệ đã thay đổi cách con người sống, làm việc, giao tiếp và thậm chí là cách thức mà chúng ta bắt nạt người khác. Hiện nay, cùng với sự bùng nổ của mạng Internet và các thiết bị điện tử, một hình thức bắt nạt mới đã xuất hiện đó là bắt nạt trực tuyến - hành vi bắt nạt được thực hiện thông qua máy tính hoặc điện thoại. 

Bắt nạt trực tuyến - hệ lụy đáng quan tâm

Công nghệ đã thay đổi cách con người sống, làm việc, giao tiếp và thậm chí là cách thức mà chúng ta bắt nạt người khác. Hiện nay, cùng với sự bùng nổ của mạng Internet và các thiết bị điện tử, một hình thức bắt nạt mới đã xuất hiện đó là bắt nạt trực tuyến - hành vi bắt nạt được thực hiện thông qua máy tính hoặc điện thoại. 

Hình thức mới của việc bắt nạt này đang ngày càng phổ biến trong học đường và gây ra những hậu quả đáng quan tâm.

Bắt nạt trực tuyến ngày càng phổ biến

ThS Nguyễn Thị Bích Hạnh, ThS Nguyễn Thị Phương Trang (Khoa Tâm lý - Giáo dục, Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng) đã thực hiện một nghiên cứu trên 500 học sinh THPT thông qua sử dụng Thang đo bắt nạt và bị bắt nạt trực tuyến (Cyber Victim and Bullying Scale) của tác giả Bayram Cetin (2011) và sử dụng thang đo BASC-2 SPR-A: Hệ thống đánh giá hành vi trẻ em, phiên bản 2 để khảo sát mối liên hệ giữa các vấn đề sức khỏe tâm thần và việc bị bắt nạt trực tuyến ở học sinh. Nghiên cứu này được công bố trong Hội thảo “Tâm lý học và phát triển bền vững” được tổ chức mới đây tại Hà Nội.

Hai tác giả tổng hợp lại các khái niệm và cho rằng, bắt nạt trực tuyến là hành vi bắt nạt gián tiếp có chủ đích được thực hiện bằng tin nhắn, hình ảnh hoặc video thông qua các thiết bị điện tử được thực hiện bởi cá nhân hoặc nhóm một cách riêng tư hoặc công khai nhằm mục đích làm tổn hại về mặt tinh thần, tâm lý và danh dự của người khác (nạn nhân).

Phân chia theo nội dung, có 6 hình thức bắt nạt trực tuyến phổ biến được đưa ra bởi N. Willard (2005) gồm: Quấy rối, phỉ báng, gây đau khổ, mạo danh, phát tán và lừa đảo, rình rập trên mạng, tẩy chay, cô lập. Phân chia theo phương tiện dùng để bắt nạt, Smith, Mahdavi, Carvalho và Tippett (2006) nhận thấy tin nhắn văn bản, hình ảnh/video, cuộc gọi thực hiện bằng điện thoại, email, phòng chat và website là những phương thức phổ biến để bắt nạt trực tuyến.

Bên cạnh đó, bắt nạt trực tuyến không nhất thiết phải là những tin nhắn hoặc email chứa nội dung xúc phạm, đe dọa, chế nhạo, ám chỉ đến tình dục hoặc ngôn ngữ thô tục. Nó cũng liên quan đến việc sử dụng tên, thông tin cá nhân và hình ảnh trên mạng Internet với mục đích chế nhạo hoặc gây tổn thương người khác. Đồng thời, nó cũng có thể được thể hiện bằng việc phát tán thông tin sai lệch và kích động người khác có hành vi và thái độ tiêu cực đối với người bị bắt nạt. Hình thức đặc biệt của bắt nạt trực tuyến là bám theo trên mạng hay khủng bố trên mạng.

Trong nghiên cứu của mình, ThS Nguyễn Thị Bích Hạnh, ThS Nguyễn Thị Phương Trang tìm hiểu về hai hình thức bắt nạt trực tuyến là bắt nạt bằng lời và bắt nạt bằng hành vi ngụy tạo trên mạng. Kết quả phân tích số liệu cho thấy, có 32,9% học sinh không bao giờ bị bắt nạt trực tuyến, 22,1% học sinh hiếm khi bị bắt nạt trực tuyến, 28,4% học sinh thỉnh thoảng bị bắt nạt trực tuyến, 7,7% học sinh thường xuyên bị bắt nạt và 9% học sinh rất thường xuyên bị bắt nạt trên mạng.

Ở những học sinh bị bắt nạt, theo kết quả phân tích, có tương quan thuận ở mức thấp của các vấn đề cảm xúc như stress, lo âu, trầm cảm và vấn đề hành vi như tăng động, khả năng kiểm soát kém và tính bất thường với việc bị bắt nạt. Cụ thể là một số ít học sinh càng bị bắt nạt nhiều thì càng cảm thấy stress, lo âu và thậm chí là có triệu chứng của trầm cảm. Kết quả này cho thấy, việc bị bắt nạt dù là trên thế giới ảo nhưng lại có ảnh hưởng thực đến tâm lý của học sinh. Đồng thời, ở một số học sinh càng có biểu hiện tăng động, khả năng kiểm soát kém hoặc bất thường cũng có nguy cơ cao trong việc trở thành đối tượng để bắt nạt.

Cần giúp học sinh ứng phó khi bị bắt nạt trực tuyến

Từ nghiên cứu này, nhóm tác giả đề xuất các thầy cô giáo, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm cần quan tâm nhiều hơn đến học sinh để kịp thời phát hiện nếu các em đang là nạn nhân của bắt nạt trực tuyến hoặc đang thường xuyên có những hành vi bắt nạt bạn khác. Đồng thời, học sinh nam cần được quan tâm hơn học sinh nữ khi phòng ngừa bắt nạt trực tuyến vì học sinh nam có xu hướng nhiều hơn trong việc trở thành thủ phạm của bắt nạt trực tuyến. Nhà trường cùng cán bộ tâm lý học đường cần tổ chức các lớp tập huấn về bắt nạt trực tuyến cho học sinh, giúp học sinh nhận biết các dấu hiệu là mình đang bị bắt nạt trực tuyến, các cách sử dụng Internet an toàn và chiến lược ứng phó khi bị bắt nạt trực tuyến.

Với học sinh, hai tác giả cho rằng, cần tự ý thức về các hành vi của mình để không vô tình hoặc cố ý trở thành thủ phạm của bắt nạt trực tuyến. Học sinh cần sử dụng Internet với mục đích lành mạnh và thời gian hợp lý, biết cách tự bảo vệ mình khi tham gia vào cộng đồng mạng.

Nhấn mạnh bắt nạt trực tuyến vẫn còn là một đề tài nghiên cứu khá mới ở Việt Nam, hai tác giả cũng đề xuất cần có thêm những nghiên cứu trên nhóm đối tượng là thủ phạm của bắt nạt trực tuyến vì hầu hết các nghiên cứu hiện nay mới chỉ tập trung vào nạn nhân. Các nghiên cứu có thể tập trung làm rõ hơn những ảnh hưởng của việc bị bắt nạt đến sức khỏe tâm thần, kết quả học tập, các mối quan hệ xã hội… của nạn nhân để hỗ trợ cho các chương trình can thiệp.

Bắt nạt trực tuyến có liên quan đến một số vấn đề sức khỏe tâm thần. Các vấn đề sức khỏe tâm thần có thể là yếu tố nguy cơ gia tăng hành vi bắt nạt hoặc hậu quả của việc bị bắt nạt. Do đó, trong phòng ngừa và can thiệp bắt nạt trực tuyến, sàng lọc các học sinh có vấn đề sức khỏe tâm thần như stress, lo âu… có thể giúp xác định đối tượng cần tập trung, từ đó áp dụng những biện pháp can thiệp phù hợp. 

Hải Bình (ghi)
Báo Giáo dục & Đào tạo